Số người thiệt mạng vì bão Damrey (bão số 12) đến ngày 6/11 đã là 44, con số chưa có dấu hiệu dừng lại khi vẫn còn đến 19 người mất tích.
Damrey - 'ngoài sức tưởng tượng' của Khánh Hòa
Khánh Hòa là tâm bão và cũng là tỉnh có nhiều người tử vong nhất (27). Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Vinh nhìn nhận: "Bão Demrey là cơn bão khủng khiếp, mạnh nhất, tàn phá dữ nhất trong suốt 35 năm qua... và ngoài sức tưởng tượng".
Nha Trang hàng chục năm qua chưa từng chịu bão mạnh như Damrey. Ảnh: Xuân Ngọc. |
Theo ông Vinh, Khánh Hòa có thành phố, huyện, thị xã là vùng ven biển, hải đảo bị ảnh hưởng trực tiếp của bão. Trong khi bão Damrey "cực mạnh", sức gió khi vào đất liền cấp 12, giật cấp 13 đã vượt quá sức chống chịu của đa số nhà cấp bốn.
Bão di chuyển nhanh, cường độ mạnh khi đổ bộ vào đất liền. Chiều gió thay đổi liên tục đã làm nhiều cây xanh, nhà cửa bật gốc, đổ sụp và tốc mái. Rất nhiều tuyến đường bị hư hỏng, cây xanh chắn ngang khiến việc đi lại khó khăn. "Đây cũng là yếu tố gây trở ngại cho việc sớm tiếp cận các nạn nhân để xử lý cứu hộ, cứu nạn của lực lượng chức năng trong và sau bão", ông Vinh chia sẻ.
Chủ tịch Vinh cho biết, trước bão ít hôm địa phương hoãn tất cả cuộc họp không quan trọng, liên tục họp bàn phương án ứng phó. Các huyện thị toàn tỉnh tập trung triển khai ngay các biện pháp đối phó như sơ tán dân ở vùng trũng, xung yếu; đưa lồng bè vào nơi tránh trú...
Ngoài ra, tỉnh yêu cầu các đơn vị quản lý hồ chứa nước điều tiết để hạ thấp mực nước tích đảm bảo dung tích đón lũ với lưu lượng xả của các hồ 50-120 m3 mỗi giây, phối hợp địa phương trước khi xả lũ để không gây ngập úng vùng hạ du. Mọi biện pháp đã được thực hiện từ sớm. Tuy nhiên, một số địa phương chưa cương quyết trong xử lý trường hợp có khả năng ảnh hưởng đến tính mạng.
"Rất nhiều người dân đã tử vong trong bão, điều này khiến tôi rất buồn. Địa phương rất ít khi có những cơn bão mạnh, ảnh hưởng trực tiếp nên người dân thiếu kinh nghiệm ứng phó. Ngoài ra, họ còn chủ quan trước mức độ nguy hiểm của bão", ông Vinh nói.
Theo Chủ tịch Khánh Hòa, người dân cũng còn có tâm lý giữ tài sản. Rất nhiều hộ nuôi thủy, hải sản trên các lồng bè không chịu vào bờ mà túc trực tại đấy gây nguy hiểm tới tính mạng.
Khi đi thực tế lúc bão và sau bão, lãnh đạo tỉnh thấy có rất nhiều nhà thờ ơ với bão. Bởi, những hộ chằng chống nhà cửa bằng bao cát, gia cố dây nhựa kỹ thì không sao; còn các gia đình không chịu chằng chống, bị tốc mái.
"Tại một số địa phương, khi chính quyền đưa dân vào nơi an toàn tránh trú nhưng khi bão vừa tan họ lại ra lồng bè, kiểm tra tài sản. Lúc ấy, gió còn rít liên hồi, rất mạnh khiến người gặp nạn", Chủ tịch Vinh kể.
Tàu hàng đâm vào ghềnh đá ở Bình Định làm dầu loang. Ảnh: Chu Ngọc. |
Bình Định không lường trước được sự cố chìm tàu
Bão không đổ bộ, nhưng Bình Định lại chịu nhiều thiệt hại về tàu thuyền. Tại cuộc họp trực tuyến chiều 6/11, Chủ tịch tỉnh Hồ Quốc Dũng cho rằng "đây là sự cố không ai lường trước được".
Ông Dũng cho hay, theo quyết định của Bộ Giao thông Vận tải, cảng Quy Nhơn chỉ có thể tránh trú bão tối đa 30 tàu. Tại thời điểm bão Damrey đổ bộ, số lượng lên tới 104 tàu hàng, trong đó nhiều tàu công suất lớn neo đậu ở cảng Quy Nhơn và nhiều tàu vãng lai vào không xin phép.
"Cảng vụ bố trí được 53 tàu vào khu vực tránh trú bão, còn 51 tàu phải neo ở phao số 0. Ngoài ra, có 21 tàu tự vào khu vực cảng, không liên lạc báo cáo", ông Dũng nói.
Chủ tịch tỉnh Bình Định cho biết, rạng sáng 4/11 có 8 tàu chìm, tỉnh huy động tất cả lực lượng đóng quân trên địa bàn ứng cứu. 500 lượt cán bộ, chiến sĩ với 10 tàu nhỏ đã tham gia cứu hộ trong điều kiện gió to sóng lớn và cứu được 71 thuyền viên, 10 người bị chết, 3 người mất tích.
Các thuyền viên được cứu cho biết, họ nghe thông báo bão vào Nam Phú Yên và Khánh Hòa nên nghĩ rằng tránh trú ở cảng Quy Nhơn sẽ an toàn, không ngờ bão mạnh vào thẳng khu vực này gây thiệt hại nặng.
Tỉnh Bình Định đang tập trung khắc phục hậu quả bão lũ, trong đó có sự có tràn dầu từ 8 tàu chìm trên biển Quy Nhơn. Trung tâm quốc gia xử lý sự cố tràn dầu đã họp khẩn cấp với tỉnh và đang rà soát biện pháp xử lý.
Tâm lý chủ quan
Đánh giá về thiệt hại do bão Damrey, Tổng cục trưởng Phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài cho rằng, cách đây đúng 20 năm, bão Linda gây hậu quả nặng nề vì thiếu thông tin, chính quyền và người dân chủ quan, di dân không kịp thời. Với bão Damrey, công tác chỉ đạo, chuẩn bị ứng phó được tiến hành kỹ càng, nhưng thiệt hại lớn thì "khó lý giải".
Cùng quan điểm với Chủ tịch Khánh Hòa, ông Hoài chỉ ra đặc điểm tỉnh này nhiều năm không có bão lớn, thành phố Nha Trang được bọc bởi dãy núi bao quanh vịnh, nên dẫn tới tâm lý chủ quan của một số người dân. "Đây là cơn bão mạnh nhất trong nhiều năm, nhưng nhiều cấp chính quyền và người dân còn chưa quyết liệt và không có kinh nghiệm trong ứng phó với bão lớn", ông Hoài nói.
Theo Tổng cục trưởng phòng chống thiên tai, cơ quan chức năng đã kêu gọi được trên 70.000 tàu cá vào nơi tránh trú an toàn và gần như không có thiệt hại. Nhưng việc kiểm soát, tổ chức neo đậu, cứu hộ, cứu nạn các tàu vận tải ở cảng Quy Nhơn (Bình Định) còn nhiều bất cập, dẫn tới 10 tàu bị chìm và gặp sự cố.
Thiệt hại lớn còn do phương án ứng phó của một số địa phương còn chưa sát với thực tế, nhất là việc di dời dân ở nơi không an toàn. Việc sắp xếp neo đậu tàu không hợp lý làm công tác cứu hộ gặp khó. Khi có sự cố, cần tổ chức cứu nạn thì không di chuyển được do không có đường ra phía biển...
6h ngày 4/11, bão đổ bộ Phú Yên - Khánh Hòa, mạnh cấp 12 (135 km/h). 13h, tiến sâu vào nam Tây Nguyên, bão giảm còn cấp 9 (90 km/h) và đến 15h cùng ngày thì suy yếu thành áp thấp nhiệt đới khi ở biên giới Việt Nam - Campuchia. Mưa bão cũng làm sập trên 1.300 ngôi nhà, gần 115.000 nhà tốc mái, hư hại; gần 1.300 tàu cá bị chìm, hư hỏng. 10 tàu vận tải (101 thuyền viên) bị chìm, hư hỏng trên khu vực phao số 0 và cảng Quy Nhơn (đã cứu vớt được 88 người, 4 người chết và 9 người mất tích). Riêng tàu Thanh Hải 18 hiện chưa xác định được số thuyền viên. NGuồn: Vnepress |